CHỦ ĐỀ: “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ”
1. Tìm hiểu Ngày truyền thống Thanh niên xung phong (15/7/1950)
“Thanh niên xung phong là một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng mở đầu cuộc cách mạng tháng tám vĩ đại năm 1945.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng thanh niên xung phong nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã góp phần cống hiến quý báo vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam”.
(Phạm Văn Đồng – trích trong tập sách “Thanh niên xung phong - những trang oanh liệt” - NXB, Thanh niên, 1996)
Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên giới. Ban chỉ huy lâm thời của Đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc là Đội trưởng và Bí thư chi bộ. Đội có 225 đội viên đầu tiên, được tổ chức thành 3 liên đội.
Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:
• Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương (15/7/1950)
• Đội thanh niên xung phong (26/3/1953)
• Đoàn thanh niên xung phong Trung ương (12/1963)
• Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)
• Lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)
• Ban thanh niên xung phong – Lao động trẻ (3/1986)
“Trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lực lượng thanh niên xung phong đã phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội như tham gia vào các chương trình, dự án: phủ xanh đất trồng trọt, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mắt nước, bãi bồi ven biển, ánh sáng văn hoá, dạy nghề, giới thiệu việc làm… với ý chí và nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắc làm nên.”(Phạm Văn Đồng).
Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Uỷ Ban Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 382/TTG quy định lấy ngày 15/5 hàng năm làm ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.
Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng lực lượng thanh niên xung phong bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm – Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc”.
2. Phong trào hành động
2.1. Nội dung sinh hoạt
- Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 103 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2018); kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2018); kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018); kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018); kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2018).
- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
2.2. Hình thức tổ chức
- Tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; các hoạt động ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ, gặp mặt thăm hỏi các gia đình chính sách, có công với cách mạng; tổ chức các phong trào thi đua, các chương trình hành động cách mạng kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ.
- Thực hiện và chuẩn bị tốt mọi điều kiện và lực lượng đối ứng để phối kết hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện hè làm tốt công tác tình nguyện tại địa phương. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên thanh niên, các em thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè.
- Tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi thực hiện văn hoá ứng xử, về an toàn giao thông, đuối nước trong mùa mưa lũ, tác hại của ma túy, HIV/AIDS, bia rượu…
- Ngoài ra, các Chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt Chi đoàn cho phù hợp.
3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn với công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn
3.1. Công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của Đoàn:
Đây là hoạt động mang ý nghĩa giáo dục đối với đoàn viên, thanh niên. Thông qua hoạt động, giáo dục đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam, nâng cao trách nhiệm và vai trò của tuổi trẻ trong chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình chính sách, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được thực hiện xuyên suốt trong năm và là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục của Chi đoàn.
3.2. Nội dung công tác đền ơn đáp nghĩa:
Chi đoàn tập trung vào các nội dung sau:
- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc và sự cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ.
- Tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, như: nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng tại địa phương.
- Tổ chức các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe, như: Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
- Tổ chức thăm, tặng quà, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng vươn lên trong học tập, tích cực trong các hoạt động Đoàn - Hội - Đội.
- Tổ chức các hoạt động tu sửa, chỉnh trang, dọn vệ sinh tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài liệt sỹ, bia tưởng niệm, các khu di tích lịch sử cách mạng truyền thống của địa phương, đơn vị.
- Vận động nguồn lực, đóng góp ngày công xây dựng và tu sửa nhà tình nghĩa, các công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt của các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, thương bệnh binh.
3.3. Lưu ý khi tổ chức công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn:
Đây là một hoạt động mang ý nghĩa giáo dục, chi đoàn phải tổ chức thường xuyên, đồng thời trong quá trình tổ chức phải chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, quán triệt kỹ trong đoàn viên, thanh niên khi tham gia các hoạt động.
4. Kỹ năng nghiệp vụ
Trò chơi “Con muỗi”
- Mục đích: Tạo không khí vui vẻ.
- Số lượng: không hạn chế.
- Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.
- Thời gian: có thể quy định.
- Cách chơi: người chơi đứng thành hàng dọc hoặc hàng ngang khi Quản trò hô: “Tay đâu, tay đâu?”, người chơi sẽ trả lời: “Tay đây, tay đây”. Quản trò bắt bài hát: “Mình dài dài dáng thon thon ngày ngày chui rút ở trong bụi rơm,chiều tà tà tối bay ra nhằm vào con mắt mà chích người ta” – và người chơi làm theo hành động chích vào mắt người bên cạnh mình. Người chơi phải làm theo lời nói của quản trò chứ không làm theo hành động của quản trò.
Ví dụ: quản trò nói cắn vào miệng mà tay của quản trò cắn vào tai thì người chơi không làm theo – nếu làm sai sẽ bị phạt.
Trò chơi “Cây sen”
- Mục đích: rèn luyện phản ứng nhanh.
- Số lượng: từ 20 - 30 người.
- Địa điểm: trong phòng, ngoài sân.
- Thời gian: Từ 5 – 7 phút.
- Cách chơi: người quản trò hô: “Nụ sen” – người chơi úp 2 lòng bàn tay lại tạo thành nụ sen. Người quản trò hô: “Hoa sen” – người chơi xòe 2 lòng bàn tay tạo dáng cong như bông hoa sen. Người quản trò hô: “Lá sen” – người chơi xòe thẳng bàn tay tạo thành lá sen. Người quản trò hô “Trái sen” – người chơi úp 2 bàn tay lại tạo thành trái… Khi tất cả mọi người đã hiểu cách chơi, làm quen tay thì người quản trò quy định “làm theo lời nói của tôi chứ không làm theo hành động của tôi” – sau đó cuộc chơi diễn ra theo sự dẫn dắt của người quản trò (lời nói làm ngược động tác).
Chú ý: người quản trò tinh mắt bắt phạt những người làm sai động tác để tạo không khí hấp dẫn lôi cuốn.
tinhdoandaklak.gov.vn