Chủ đề: “Tự hào truyền thống anh hùng”
1. Tìm hiểu về sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Cách mạng tháng Tám, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945)
Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 08/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.
Ngày 16/8/1945, Đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu Nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công.
Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14/8 đến 18/8, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.
Ngày 17/8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mittinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong mittinh này, dưới sự lãnh đạo của xứ Uỷ Bắc Kỳ và thành Uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mittinh, cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết quân phiệt Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi Nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Cuộc mittinh đã tiến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.
Ngụy quyền cực kỳ bối rối hoang mang, chúng dựng lên cái gọi là “Uỷ ban chính trị” đề nghị với Việt Minh: “Đằng nào các ông cũng thắng, nhưng để điều đình với Đồng Minh sẽ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, đề nghị vùng nông thôn cách thành phố 15km là thuộc quyền các ông, còn thành phố cần có nhân sĩ, trí thức đứng ra giao dịch với Đồng Minh”.
Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát, “giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”.
Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mittinh. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu:
• Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
• Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam.
• Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh.
• Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Cuộc mít tinh diễn ra vào ngày 19/8/1945. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến Quân Ca, đại biểu uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mittinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cách mạng tháng tám là sự kiện vĩ đại trong lich sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.
2. Phong trào hành động
2.1. Nội dung sinh hoạt
- Tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2018); Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2018); Kỷ niệm 73 năm Ngày cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2018); kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2018); Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018).
- Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
2.2. Hình thức tổ chức
- Tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa để đoàn viên, thanh niên tìm hiểu thêm về sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Cách mạng tháng Tám, tổng khởi nghĩa giành chính quyền như: Tổ chức tọa đàm, gặp mặt các lão thành cách mạng; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức sinh hoạt Chi đoàn xem phim tư liệu “Nhớ mùa thu lịch sử”...
- Tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em học sinh trong dịp hè. Đảm bảo các biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước, đồng thời chuẩn bị tổ chức tổng kết hoạt động hè của học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương.
- Vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thông qua những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả cao tạo được sự lan tỏa trong thanh niên.
- Ngoài ra, các Chi đoàn căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị đề ra các nội dung, hình thức sinh hoạt Chi đoàn cho phù hợp.
3. Sổ tay nghiệp vụ: Tổ chức sinh hoạt chi đoàn theo cụm năm 2018
3.1. Mục đích, yêu cầu
3.1.1. Mục đích
- Làm phong phú, đa dạng nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn, khắc phục tình trạng khó khăn trong triệu tập đoàn viên thanh niên để tổ chức sinh hoạt chi đoàn.
- Tạo sự kết nối, học tập kinh nghiệm giữa các chi đoàn, huy động nguồn lực để thực hiện các công trình, phần việc thanh niên trong mỗi kỳ sinh hoạt.
- Tăng cường công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội ở thôn, buôn, tổ dân phố, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, nâng cao chất lượng phong trào thanh niên trên địa bàn dân cư, góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn chuyên trách các cấp rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, gắn bó và sát thực với phong trào, đồng thời đề xuất các giải pháp trong việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn.
3.1.2. Yêu cầu
Chương trình sinh hoạt đảm bảo hiệu quả, chất lượng và xây dựng được các mô hình chi đoàn mẫu để nhân rộng theo từng địa bàn, khu vực.
3.2. Nội dung
3.2.1. Tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hướng dẫn kỹ năng cho đoàn viên thanh niên
- Tổ chức sinh hoạt tập thể, hướng dẫn dân vũ, teambuilding hoặc các môn thể thao để tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong đoàn viên thanh niên.
- Các chi đoàn biểu diễn văn nghệ, giới thiệu văn hóa dân tộc… tạo tính tích cực, chủ động của chi đoàn và đoàn viên thanh niên khi tham gia sinh hoạt.
3.2.2. Triển khai các hoạt động của Đoàn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định hướng dư luận xã hội
- Cập nhật, lựa chọn thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội để truyền tải tới ĐVTN. Tổng hợp các vấn đề đang được đăng tải, quan tâm nhiều trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, từ đó định hướng dư luận xã hội cho đoàn viên, thanh niên.
- Mỗi đợt sinh hoạt kể 01 câu chuyện đẹp hoặc 01 tấm gương người tốt, việc tốt để lan tỏa những việc làm ý nghĩa trong đoàn viên, thanh niên. Giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương, tại tỉnh.
- Giới thiệu các luật mới ban hành và các quy định của pháp luật có liên quan phổ biến, trực tiếp tới đời sống hàng ngày của đoàn viên, thanh niên.
- Nắm bắt nhu cầu và lợi ích chính đáng của đoàn viên thanh niên, qua đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn.
- Thông tin về các hoạt động của Đoàn – Hội, triển khai kế hoạch trong thời gian tới.
3.2.3. Thực hiện công trình, phần việc thanh niên
- Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong cụm xây dựng các công trình, phần việc thanh niên phù hợp tại chi đoàn đăng cai tổ chức sinh hoạt (đường hoa thanh niên, trồng cây xanh, xây dựng điểm sinh hoạt thanh thiếu niên, sân vui chơi cho thiếu nhi…).
- Kết hợp tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên, Lễ trưởng thành Đoàn…
3.3. Công tác tổ chức
- Các Đoàn cơ sở (xã, phường, thị trấn) phân chia các cụm chi đoàn dựa trên các đặc điểm về địa giới, số lượng đoàn viên thanh niên, năng lực điều hành của các Bí thư Chi đoàn… Xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm công việc cho từng Bí thư Chi đoàn trong mỗi đợt sinh hoạt. Báo cáo, đề xuất, xin ý kiến của Đảng ủy và Đoàn cấp trên về nội dung, hình thức sinh hoạt.
- Luân phiên tổ chức tại các chi đoàn trong cụm, đảm bảo lịch sinh hoạt 01 lần/tháng.
- Tổ chức thành các đội thi tìm hiểu trong phần tuyên truyền, phổ biến kế hoạch của Đoàn và giáo dục pháp luật để tạo không khí sôi nổi, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
- Rút kinh nghiệm sau mỗi lần tổ chức sinh hoạt, khảo sát để thực hiện các nội dung, công trình thanh niên trong đợt sinh hoạt tiếp theo.
- Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chọn 01 cụm chi đoàn tại các huyện, thị, thành phố để tổ chức mẫu (cấp tỉnh). Ban Thường vụ các Huyện, Thị, Thành đoàn chọn 01 cụm chi đoàn tại các xã để tổ chức mẫu (cấp huyện).
4. Kỹ năng nghiệp vụ
Trò chơi “Tìm nghề nghiệp”
- Mục đích: Tạo sự hài hước, suy đoán nhanh.
- Số lượng: Từ 10 - 30 người.
- Địa điểm: Trong phòng.
- Vật dụng: Viết, nhiều miếng giấy trắng nhỏ.
- Cách chơi: chia người chơi thành 2 - 3 đội, quản trò ghi 1 nghề vào miếng giấy (nhiều nghề nhiều miếng giấy). Mỗi đội cử 1 người lên bốc thăm, trúng nghề nào thì phải diễn tả nghề đó cho đồng đội nêu đáp án (diễn tả bằng hình thể, không được nói). Sau 30 giây đội đó không trả lời đúng thì các đội khác có quyền trả lời, nếu đúng là đội đó thắng, còn đội kia sẽ thua.
Trò chơi chỉ diễn ra cho từng đội một, mỗi đội chỉ được trả lời không quá 5 lần lên bốc thăm, xem xong phải trả giấy thăm lại cho quản trò. có thể dùng khăn che miệng người trả lời cho khách quan.
Trò chơi “Phản xạ nhanh”
- Mục đích: Tạo sự nhanh nhạy, phản xạ.
- Địa điểm: trong phòng, ngoài sân
- Số lượng: Không hạn chế số người.
- Cách chơi: người quản trò phổ biến trò chơi gồm 3 động tác: vỗ tay, đứng lên, ngồi xuống. Khi quản trò hô vỗ tay thì tất cả cùng vỗ tay và làm theo vỗ tay 1 cái… với động tác đứng lên, ngồi xuống cũng vậy… Sau khi đã chơi thử, người quản trò phổ biến lại trò chơi (khó hơn): quản trò hô vỗ tay thì tất cả vỗ tay nhưng động tác thì đứng lên – khi quản trò hô đứng lên thì tất cả nói đứng lên nhưng động tác thì ngồi xuống – người quản trò hô ngồi xuống thì tất cả ngồi xuống nhưng động tác thì đứng lên… Cứ thế trò chơi tiếp tục – ai làm sai sẽ bị mời ra và chịu hình phạt do người quản trò áp dụng.
Sưu tầm