Thời gian vừa qua, sự xuất hiện của cây xăng Nhật Bản ở Hà Nội đã gây sự chú ý lớn đối với cộng đồng. Không phải vì nó cung cấp một sản phẩm mới, một nhiên liệu tiên tiến nào đó, mà vì người ta thấy lạ…
Ông chủ cây xăng Nhật Bản tại Hà Nội cúi đầu chào khách
Lạ ở chỗ chưa bao giờ người dân đi đổ xăng lại được nhân viên Việt cúi chào, hay dùng khăn lau kính xe. Cũng chưa bao giờ có ông chủ cây xăng nào cầm dù, đội mưa mấy tiếng đồng hồ chỉ để cúi chào từng vị khách một cách kính cẩn như thế. Một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thích thú!
Bài học về văn hóa và sự tử tế
Thế nhưng, câu chuyện không đơn thuần chỉ là việc cần phải khom lưng, cúi đầu vì đây chỉ là cách chào hỏi thường ngày của người Nhật, cũng không hẳn chỉ là vấn đề bán xăng phải chính xác đến từng mililit.
Cái chúng ta quan tâm nhiều hơn đó chính là sự khác nhau trong tâm thế của người mua và người bán. Nhân viên bán hàng bày tỏ thái tộ tôn trọng và biết ơn đối với người mua. Còn người mua đúng là đã thấy mình được chào đón, tôn trọng và được thực sự là “thượng đế”.
Hóa ra văn hóa và sự tử tế mới là thứ quyết định ở đây!
Cũng là kinh doanh một mặt hàng giống nhau, nhưng người Nhật đã cạnh tranh với những doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam bằng màu sắc khác biệt ấy. Đó cũng chính là sự thể hiện cho văn hóa kinh doanh, sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhân việc nói về câu chuyện này, Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành (Đại học Thành Tây) cho rằng: “Bất luận cung cách ứng xử văn hóa vì mục tiêu gì (lợi nhuận, hình ảnh hay đơn giản là thói quen) thì chúng ta cũng có một dịp tốt để tự đánh giá lại khuyết nhược của văn hóa kinh doanh.
Hệ thống đào tạo một lần nữa cũng cho thấy sự khác biệt quá lớn giữa ý niệm về "sản lượng lý tưởng" trên sách vở và sản phẩm thực tế trên thương trường. Mỗi cá nhân thêm một lần nữa hiểu rằng sự hoàn thiện bản thân đòi hỏi liên tục, và đối thủ cạnh tranh không cho ta nghỉ ngơi”.
Tinh thần phụng sự xã hội
Người Nhật có trách nhiệm với chính bản thân họ, công việc của họ. Đối với những con người ở quốc gia này, việc họ chịu trách nhiệm và làm tốt những công việc của cá nhân cũng chính là góp phần đóng góp cho cộng đồng và phụng sự cho xã hội.
Đơn giản nhất có thể thấy từ câu chuyện của một nhân viên bán xăng ở Nhật, tương tự như câu chuyện đề cập ở trên.
“Người Nhật rất chi tiết và cụ thể trong công việc, họ luôn có những kế hoạch chi tiết cho từng công việc và thực hiện chính xác theo kế hoạch đó. Thế nên, họ có thể kiểm soát được tiến trình của công việc và có thời gian để chỉnh sửa, hoàn thiện”, ông Nguyễn Hoàng Tú, Tổng giám đốc Công ty TNNH Keizu Việt Nam (một doanh nghiệp của Nhật Bản đặt văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ.
“Người Nhật nơi tôi làm việc, họ có cách giải quyết vấn đề rất hay và tôi thấy người Việt Nam cần tham khảo, đó là luôn hỏi 5 lần “Tại sao?” cho bất kỳ vấn đề gì xảy ra. Nhờ “câu thần chú” đó mà họ luôn tìm ra được nguyên nhân chính của các vấn đề và giải quyết tận gốc”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tú, người Nhật coi trọng sự chăm chỉ nỗ lực từng chút trong một thời gian dài hơn là một vài thành tích công việc bất ngờ. Họ luôn coi công việc như cuộc sống, họ yêu công việc như chính cuộc sống của mình. Họ hạnh phúc khi có thể hoàn thành công việc thật tốt và đóng góp hết sức mình cho tập thể và xã hội.
So sánh với người Việt Nam, ông Tú cho rằng: “Đa số người Việt thì nắm bắt vấn đề hay thực hiện công việc rất nhanh nhưng họ lại không tỉ mỉ như người Nhật. Đôi khi người Việt làm việc mà không có kế hoạch trước, “tùy cơ ứng biến” và đến sát deadline mới tiến hành. Vậy nên người Việt hay gặp các vấn đề phát sinh hơn là người Nhật.
Các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp thành công thì nên kiên trì trong mục tiêu, cụ thể trong công việc, coi trọng tập thể và luôn luôn đúng giờ (với khách hàng, với nhân viên, với công việc, đúng giờ với tất cả kế hoạch…) như cách mà người Nhật thực hiện”.
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng phân tích thêm: “Trong số rất nhiều điều có thể học từ người Nhật, tôi đánh giá ba yếu tố sau đây rất đáng lưu ý. Thứ nhất là bền chí và chấp nhận thử thách đường dài. Thứ hai là biết yêu mến và hoàn thiện từ những kỹ năng nhỏ nhất. Thứ ba là hiểu giá trị đóng góp của mỗi cá nhân và hành động vì sự thịnh vượng của cộng đồng”.
“Hành trình Lập chí Vĩ đại - Khởi nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt” do Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legend khởi xướng nhằm chung tay cùng với xã hội giúp cho hơn 23 triệu thanh niên Việt Nam có Khát vọng mạnh mẽ với tâm thế Lập Chí - Sáng Tạo - Khởi Nghiệp - Kiến Quốc. Gửi gắm vào Hành trình là từng cuốn sách quý, chứa đựng bí quyết thành công, lan tỏa tinh thần dám dấn thân khởi nghiệp làm giàu cho chính mình và đưa nước Việt trở nên vĩ đại, ảnh hưởng. “Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt” đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình giao lưu, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhân vật ảnh hưởng trong nước và quốc tế tại các trường Đại học - Cao đẳng trên cả nước, tại không gian Trung Nguyên Legend, Cà Phê Thứ Bảy… Thông tin chi tiết về lịch trình các Chương trình giao lưu, đăng ký đồng hành tổ chức chương trình, tặng sách và tham gia tại: https://www.facebook.com/tusachnentangdoidoi/ |
Theo Thanhnien.vn