Văn hóa và phát triển: Nghĩ từ bến nước

Bến nước ở các buôn làng Tây Nguyên là hình ảnh tiêu biểu và rất gợi khi nhắc đến “phổ văn hóa đậm chất rừng” của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Vì thế, sự mất-còn của bến nước ở đây có mối liên hệ mật thiết đến cuộc sống, sinh hoạt trong mỗi cộng đồng.

Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, khi chọn đất để lập buôn làng, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là nguồn nước. Nguồn nước ấy phải dồi dào, trong lành được người chủ buôn, làng “quy hoạch” tại một địa điểm nhất định dưới tên gọi là bến nước nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho cả cộng đồng trong quá trình sinh sống. Tùy theo địa hình mà bến nước có nơi là một khúc sông (suối), có nơi là khu vực có khả năng sinh thủy liên tục từ những cánh rừng nguyên sinh sẵn có trong vùng.

Từ đặc điểm ấy mà đến nay trong các buôn làng của người Tây Nguyên hầu hết đều còn bến nước. Và đó là hình ảnh đầu tiên, tiêu biểu nhất để nhận biết và khẳng định sự tồn tại, phát triển của mỗi tộc người trên các mặt lịch sử, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng và nhân văn… Nói cách khác, bến nước còn là một sinh thể đúng nghĩa phản ánh chân thực và đầy đủ đời sống cư dân trong không gian sống nhất định. Bởi vậy, việc bồi đắp và duy trì sự sống cho sinh thể ấy (bến nước) của mỗi buôn, làng luôn là đòi hỏi tự thân đặt ra cho tất cả các thành viên trong cộng đồng. Trên thực tế, đòi hỏi ấy đã được các dân tộc thiểu số tại chỗ đáp ứng bằng hình thức vận dụng tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” hết sức linh hoạt và độc đáo thông qua các nghi lễ, trong đó cúng bến nước là một thực hành văn hóa hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên nước cho mọi người.

Cộng đồng người Êđê ở buôn Đung, xã Ea Nhuôl, Buôn Đôn  tham gia nghi lễ cúng bến nước.

Cộng đồng người Êđê ở buôn Đung, xã Ea Nhuôl, Buôn Đôn tham gia nghi lễ cúng bến nước.

Còn nhớ, trong cuốn sách có nhan đề “Miền đất huyền thoại” (tập hợp các chuyên khảo về đời sống, phong tục, tập quán của người Jrai, K’ho, Stiêng… cách đây nửa thế kỷ của học giả Jacques Dournes dưới tên gọi khác là Dambo) vừa mới được Nhà xuất bản Tri thức in ấn và phát hành gần đây đã cho thấy vấn đề trên. Nhà “Tây Nguyên học” này đã tinh tế nhận ra điều cốt lõi và sâu sắc nhất trong lễ cúng bến nước của người dân tộc thiểu số tại chỗ chính là đề cao thông điệp gìn giữ toàn vẹn và bền vững không gian sống của mình. Jacques Dournes cho rằng, các dân tộc thiểu số ở đây đã biết vận dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để thực hiện một cách khôn khéo và nhuần nhuyễn thông điệp này. Những lời khấn yàng và các thần (Kriu yang)  trong lễ cúng bến nước đều có nội dung cầu xin, nhắc nhở các thế lực siêu nhiên cùng con người sống và hành xử với tâm thế biết ơn, nâng đỡ nhau một cách nhân văn nhất.

Nhận định trên được già Ama Khâm (buôn Ky, phường Thành Nhất - TP. Buôn Ma Thuột) đồng tình và chia sẻ: cứ qua mỗi lần cúng bến nước thì ý thức bảo vệ không gian sống của buôn, làng được nâng cao nhờ sự chi phối, dẫn dắt của yếu tố tín ngưỡng và tâm linh bao đời ngự trị trong đó. Những lời khấn đại khái như: “Ơ… yang, cho chúng tôi nguồn nước mát lành để không ai đau ốm, bệnh tật. Chúng tôi không xâm phạm đến chỗ ở của các thần (nước, rừng) mà còn đem lễ vật (gạo nếp, heo, gà) dâng tặng…” được coi là văn bản “cam kết” không thể bội tín, nhằm bảo đảm và hướng tới một đời sống xã hội cân bằng về vật chất cũng như tinh thần trong mỗi cộng đồng người bản địa. Làm rõ thêm về điều đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên - Linh Nga Niê K’dăm chỉ ra: nơi nào còn lại bến nước đẹp nhất và đúng nghĩa nhất thì nơi đó thường xuyên thực hành nghi lễ cúng bến nước cổ truyền. Những thông điệp gìn giữ môi trường sống hài hòa được phát đi dưới sắc thái  tín ngưỡng và tâm linh ấy được thành viên trong cộng đồng tuân thủ, thực hiện nghiêm cẩn. Cứ nhìn vào thực tiễn sẽ thấy, những bến nước như buôn Tul (xã Ea Tul), buôn Đing (xã Ea Đing - huyện Cư M’gar), hay buôn Krông M’rơng (xã Ea Tu - TP. Buôn Ma Thuột), buôn Riêng (xã Ea Knuếch - Krông Pak)… sở dĩ không trở thành phế tích là vì những cánh rừng đầu nguồn có chức năng giữ và điều tiết nước cho bến nước ở đây quanh năm trong lành và dồi dào không bị xâm hại như nhiều nơi khác. Có thể nói, bến nước gắn với rừng là kết hợp hoàn hảo và tài tình trong việc gìn giữ, bảo tồn không gian sống lý tưởng của các tộc người Tây Nguyên. Mất đi một trong hai hình ảnh tiêu biểu và đặc trưng đó, coi như buôn, làng (được hiểu như cơ thể hoàn mỹ) bị tổn thương.

Bà Linh Nga Niê K’dăm cũng như nhiều người am hiểu văn hóa Tây Nguyên khác cho rằng, hiện nay việc tôn tạo và tái hiện lại một số nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư, trong đó có bến nước. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu để hiểu thấu đáo vấn đề thì hiệu quả mang lại không cao. Đặc biệt cần phải xem lại và chấm dứt tình trạng tổ chức phục dựng, cúng bến nước theo kiểu phong trào - nghĩa là rót một ít kinh phí cho các buôn, làng cúng bến nước tại… nhà văn hóa cộng đồng dưới sự “đạo diễn” của ngành văn hóa, còn mọi thành viên trong cộng đồng, vốn là người trực tiếp lĩnh hội và thực hiện thông điệp trên phải đứng ngoài cuộc, hoặc làm những vị khách dự khán.

Theo baodaklak.vn

ĐOÀN KHỐI CÁC CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP ĐẮKLẮK

Địa chỉ: 21 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk

Điện thoại: 02623.856453 - Fax: 02623.810039

Thiết kế bởi VNPT ĐắkLắk

Địa chỉ: 06 Lê Duẩn Thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh ĐắkLắk

Điện thoại: 0500-3845678

Website: http://softdaklak.vn/