Ai muốn ăn cái gì, trả bao nhiêu cũng được, không trả hoặc trả sau cũng được, tất cả đều là tự nguyện. Ở VN hầu như không thể có một quán ăn văn minh như mình gặp, vì tính tự giác, tự nguyện của nhiều người Việt còn kém…
Hôm nay mình được cô bạn trẻ chung nhà người Nhật giới thiệu và mời tới xem cô hát ở một nhà hàng. Cô là ca sĩ, ở chung nhà nhưng hôm nay lần đầu tiên mình nghe cô ta hát. Thật bất ngờ, dân chuyên nghiệp bài bản có khác. Cô ấy hát jazz, phiêu linh đầy cá tính trong một ban nhạc có 4 người, một người chơi bass, một chơi guitar và một chơi trống tay. Cô bạn này đã qua Úc được 2,5 năm, đi vài nơi ở Úc, hiện đang học một trường nhạc ở Melbourne.
Ngồi cạnh mình, bắt chuyện là một cô người Nhật khác (cô B). Cô B này đã qua Melbourne được 4 tháng để nghỉ ngơi, kiếm việc và học Anh văn. Nhà cô ta ở nơi bị ảnh hưởng của vụ rò rỉ phóng xạ do sóng thần cách đây hai năm ở Nhật và ba cô cũng qua đời trong thiên tai đó. Cô B trông rất cá tính, tóc húi cua hai bên nhưng nói chuyện rất lịch sự và thân thiện. Cô ta nói đang tìm công việc cleaning (dọn vệ sinh) ở đây.
Quán mình tới té ra là một dạng nhà hàng rất đặc biệt ở Úc mà lần đầu tiên mình biết tới, có tên là Lentil As Anything (http://lentilasanything.com), một hình thức kinh doanh phi lợi nhuận. Vào đây mọi người được thưởng thức món ăn và âm nhạc một cách thoải mái và chất lượng. Đặc biệt là ai muốn ăn cái gì cũng được, trả bao nhiêu cũng được, không trả cũng được, và trả sau (qua trang web cũng được), tất cả đều là tự nguyện. Nhiều nhóm nhạc tới diễn (ví dụ ban nhạc cô bạn mình), ai muốn ủng hộ ban nhạc thì ủng hộ, không thì cũng không sao. Cô B ăn uống xong, cũng liền tham gia làm tình nguyện viên phục vụ khách hàng.
Cảnh trong quán Lentilasanything. Nguồn: lentilasanything
Mình thấy một họa sĩ tới nhờ người khác làm mẫu cho ông ta vẽ tranh chân dung. Hay một hai cô gái xăm mình rất cá tính, đẹp vào đây làm phục vụ. Một anh chàng đeo cái bảng ghi hai chữ "Free hugs" (ôm miễn phí) và đi khắp nơi ghi lại món ăn mà khách hàng yêu cầu. Nhiều người đem cả gia đình vào đây ăn uống cả ngày. Người tới ăn có đầy đủ màu da, giọng nói. Ai cũng tôn trọng người khác, hòa nhã, thân ái dù cho bạn là ai, làm gì, ăn mặc thế nào. Đây thực sự là một bầu không khí văn minh và nhân văn nhất mà mình từng chứng kiến từ trước đến này.
Sự mạnh dạn, tự tin và năng động của hai cô gái và sự văn minh đầy tình người của quán ăn làm mình suy nghĩ rất nhiều điều. Nhìn lại, bạn bè mình khi mới ra trường tốt nghiệp ĐH chỉ lo tìm việc, kiếm tiền rồi lập gia đình, mua nhà và sinh con đẻ cái. Cái trưởng thành theo nếp nghĩ người Việt là như vậy. Các bậc cha mẹ chỉ mong con cái lập gia đình là đã hoàn thành trách nhiệm lớn, an tâm xuôi tay. Bạn bè gặp nhau thì hỏi mày kết hôn chưa, có mấy con rồi, hay (thầm) so sánh nhau nhà cửa, xe sang (một thói quen mà mình nghĩ rất xấu). Tất cả đều theo một kịch bản, một khuôn mẫu một cách suy nghĩ chung chung. Không nhiều người suy nghĩ đến việc bước ra thế giới khác, tìm tòi về nó, tự phát triển bản thân, ở một góc nhìn khác, như cái cách mà hai cô gái Nhật đang làm. Hệ quả là những suy nghĩ, kiến thức của các bạn trẻ Việt Nam mặt bằng chung thua xa bạn bè thế giới cùng trang lứa.
Ở Việt Nam hầu như không thể có một quán ăn văn minh như mình gặp, vì tính tự giác, tự nguyện của người Việt chưa cao. Gần đây có những quán ăn VN có tính chất gần gần giống, như các quán cơm 2000 đồng cho người nghèo. Chỉ tiếc nó mang tính từ thiện, phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân, thu không đủ chi nên thường không vững bền. Nói gì thì nói, các quán ăn 2000 đồng trên là một trong những bước đi đầu tiên hướng đến sự chia sẻ và văn minh của cộng đồng và hy vọng chúng sẽ phát triển hơn nữa thời gian tới.
Cho nên mình rất ủng hộ và mong có thêm nhiều bạn bè mình hay nhiều người Việt đi thật xa, làm khác, và suy nghĩ độc lập hơn so với bây giờ. Buồn khi nhận thấy là nhiều người Việt trẻ còn quá rụt rè, suy nghĩ theo quán tính số đông và chậm tiến so với bạn bè thế giới.
Theo Vietnamnet
Tin đã đưa