Thanh niên với Luật An ninh mạng - Bài 1: Mạng xã hội không còn là nơi… “chém gió”

Trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, an ninh mạng đang dần trở thành một câu hỏi khó không chỉ cho các doanh nghiệp mà cả bộ máy quản lý Nhà nước trong việc xử lý, hạn chế cái xấu và thúc đẩy cái tốt. Luật An ninh mạng được ban hành sẽ góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng internet. Nhằm giúp các bạn đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về Luật An ninh mạng, từ đó tiên phong trong việc thực hiện nghiêm các vấn đề về an ninh phi truyền thống.

Theo nhiều cuộc khảo sát, hiện có tới 64 triệu tài khoản người dùng Facebook tại Việt Nam, chiếm 3% trên tổng số hai tỷ thành viên trên mạng xã hội này và đứng thứ 9 toàn cầu. Dù chiếm tỷ lệ người sử dụng lớn, đặc biệt là giới trẻ nhưng việc hiểu về ứng xử có văn hóa, không vị phạm Luật An ninh mạng trên mạng xã hội vẫn còn nhiều hạn chế…

Những suy nghĩ, ứng xử quá đà

Gần đây, một số bạn trẻ đã có những hành vi, lời nói hoặc đăng tải những hình ảnh quá giới hạn trên mạng xã hội đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng tới cộng đồng, xã hội. Nguyễn Thành (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có bạn gái xinh như mộng và đã gắn bó với anh gần ba năm nay. Tuy nhiên, khi phát hiện ra Thành thường xuyên lén chơi cờ bạc và để thua rất nhiều tiền, Lan bạn gái anh quyết định chia tay. Dù Thành cố níu kéo bằng nhiều cách nhưng Lan vẫn cương quyết không quay trở lại.

Mạng xã hội không còn là nơi… “chém gió”. Ảnh minh họa: Minh Việt

Cay cú vì bị người yêu bỏ, Thành lên mạng xã hội nói xấu, bôi nhọ danh dự Lan. Thậm chí, anh ta còn sử dụng những hình ảnh nhạy cảm và số điện thoại của Lan để đăng tải trên những trang web đen… Lan chỉ phát hiện ra điều này khi cô nhận được rất nhiều cuộc điện thoại lạ gạ tình. Cô càng hoảng hốt hơn khi hình ảnh của cô tràn lan trên một số trang web xấu. Không chịu nổi áp lực dư luận, Lan quyết định tố cáo bạn trai cũ. Khi bị công an “sờ gáy”, Thành mới nhận ra đã vi phạm Luật An ninh mạng.

Trước đó, cũng vì muốn thể hiện bản thân, một nhóm “phượt thủ” đã chỉnh sửa nội dung cột mốc khu vực tỉnh lộ từ Đồng Văn vào cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) để “check in”, nhằm khẳng định mình đã đặt chân tới địa đầu tổ quốc. Hành động này ngay lập tức bị cộng đồng mạng phanh phui, đưa ra bằng chứng rõ ràng cho thấy sự khác nhau về thiết kế cũng như vị trí của cột mốc thật so với những gì đã được chỉnh sửa. Nhiều người đã phẫn nộ trước hành vi thiếu ý thức của nhóm “phượt thủ” này.

Thành Trung, sinh viên trường Đại học Xây dựng, bức xúc cho biết: “Hành động thiếu trung thực của các bạn trẻ này thật đáng lên án. Hơn nữa, chỉ vì nghĩ đến cái tôi của bản thân mà các bạn đã vi phạm Luật an ninh mạng, xuyên tạc lịch sử và có thể vô tình làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Cũng theo Trung, một số bạn trẻ ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Họ thích gì nói đó, không cần quan tâm hành động ấy có làm tổn hại đến uy tín, danh dự người khác hay không, trong khi chúng ta hay được dạy về việc hãy cẩn trọng với lời nói của mình, tránh gây tổn thương cho người khác. Ở thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ai cũng cần có trách nhiệm với những gì mình đăng tải trên mạng. Các bạn trẻ đừng tự cho rằng, ngồi sau bàn phím máy tính là có thể thoải mái bộc lộ suy nghĩ cũng như lời nói của mình, vì đôi khi ngôn từ viết ra có sức “sát thương” rất cao.

Cẩn thận nút “share”

Đồng quan điểm trên, bạn Mai Phương, đoàn viên Quận đoàn Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho rằng, dù trong đời thực hay trên mạng xã hội bạn vẫn phải ứng xử có văn hóa. Muốn làm được điều đó, mỗi người trẻ cần phải tự trang bị cho bản thân kiến thức cũng như lý tưởng sống. Khi đó, họ mới có thể phân biệt được đúng - sai, xấu - tốt. Mai Phương khuyến cáo thêm, thời gian gần đây để thu hút sự quan tâm của xã hội, các phần tử phản động trong nước và nước ngoài cùng những người cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất đã và đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt. 

Họ lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản Facebook để thu thập, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật - giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc, nhất là giới trẻ. Chủ ý của họ nhằm bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ thanh danh của Đảng, Nhà nước, đặc biệt nhằm vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.

Các phần tử phản động thường chọn thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ, đồng thời tổ chức lực lượng chia sẻ bình luận với mục đích hạ uy tín, làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của Đảng, Nhà nước ta và các đồng chí lãnh đạo cấp cao . “Vì thế, thanh niên phải thật tỉnh táo, dùng cái đầu lạnh và trái tim nóng để phân tích đúng - sai. Trước khi nhấn nút “like”, “share” hãy suy nghĩ thật kỹ để tránh mắc phải âm mưu của kẻ xấu và vi phạm pháp luật.

Tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Thách thức đối với tổ chức Đoàn trong công tác giáo dục thanh niên trước vấn đề an ninh phi truyền thống”, do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng và hướng dẫn để đoàn viên nhận diện thông tin xấu, biết phân biệt đúng - sai khi tiếp cận, xử lý các thông tin trên mạng rất cần thiết. Đặc biệt, bạn trẻ phải biết tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có ích cho bản thân, xã hội; không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng cho rằng, tổ chức Đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên, giúp giới trẻ có thể tự miễn nhiễm, tăng sức đề kháng, bảo vệ bản thân trước những thông tin xấu, độc xuất hiện trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018. Theo đó, Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong đó, Điều 8 quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…

thanhgiong.vn

ĐOÀN KHỐI CÁC CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP ĐẮKLẮK

Địa chỉ: 21 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk

Điện thoại: 02623.856453 - Fax: 02623.810039

Thiết kế bởi VNPT ĐắkLắk

Địa chỉ: 06 Lê Duẩn Thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh ĐắkLắk

Điện thoại: 0500-3845678

Website: http://softdaklak.vn/