Đối với người Êđê, nồi đồng không chỉ là vật dụng sinh hoạt hằng ngày trong gia đình mà còn là thước đo của sự giàu có; là sính lễ trong cưới hỏi; là vật dụng dùng nấu cơm, nấu rượu, luộc thịt, đựng nước chế vào bình rượu cần trong các dịp lễ hội cúng tế thần linh; là tài sản chia cho người chết khi về thế giới bên kia…
Theo một số nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam), thời vàng son nhất của nghề đúc nồi đồng cũng như các vật dụng bằng đồng là khoảng thời gian từ năm 1940-1945. Lúc bấy giờ, thị trường tiêu thụ nồi đồng khá rộng lớn, từ người Kinh ở đồng bằng đến các dân tộc Tây Nguyên đều dùng nồi đồng.
Nồi đồng có tên gọi và giá trị sử dụng khác nhau. Tùy theo kích cỡ mà người ta phân thành các loại nồi đồng khác nhau, từ nồi nhỏ đến nồi lớn. Các loại nồi đồng dù to hay nhỏ đều có hình dáng giống nhau, kiểu như “nồi hông” (nồi cổ). Nồi lớn nhất thường có 4 quai, các loại nồi nhỏ chỉ có 2 quai hoặc không có quai. Nồi đồng to thường được dùng nấu thức ăn trong các dịp tế thần linh quan trọng; còn nồi đồng nhỏ dùng nấu thức ăn, luộc sắn, luộc khoai, đựng nước chế vào bình rượu cần uống trong các lễ hội như: cúng mừng lúa mới, mừng nhà mới, lễ cúng bến nước, lễ đặt tên con, hay trong những dịp cưới hỏi, ma chay...
Nồi đồng mà người Êđê sử dụng.
Mặc dù người Êđê không sản xuất được nồi đồng nhưng họ lại sử dụng nồi đồng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nồi đồng thường được mua hoặc trao đổi bằng các con vật như trâu, bò, lợn hoặc các vật phẩm như khố, chăn mền...
Đối với người Êđê, nồi đồng còn là vật để nhìn vào đó có thể phân biệt được đẳng cấp xã hội và uy quyền. Những gia đình giàu có mới có nhiều nồi đồng to và hoa văn đẹp. Chỉ một số gia đình vô cùng giàu có mới sắm được nồi đồng “mẹ bồng con” - loại nồi đồng quý hiếm với hình dáng đặc biệt: ngoài 4 quai, người thợ đúc đồng còn gắn trên vành miệng hai đến ba chiếc nồi thu nhỏ.
Nồi đồng còn là sính lễ trong cưới hỏi và vật tùy táng cho người chết. Trong đám cưới, sính lễ ngoài thổ cẩm, trang phục, trang sức (vòng cườm, vòng đồng) thì không thể thiếu một chiếc nồi đồng. Trong tang ma, nồi đồng là một trong những đồ tùy táng, cùng với những vật dụng sinh hoạt chén, bát, chiêng, goong,.. thường được chôn theo người chết. Nhưng những vật dụng chôn theo đều phải phá hỏng, đập vỡ, như: Nồi đồng chọc thủng đáy và thân chóc, chiêng, goong đập thủng mặt...
Theo Đoàn Nhân - Báo Đắk Lắk